Thuốc Jiracek được chỉ định trong các trường hợp sau:
Đối với người lớn:
- Bệnh trào ngược dạ dày-thực quản (GERD): Điều trị tình trạng viêm xước thực quản do trào ngược; Điều trị dài hạn cho những bệnh nhân viêm thực quản đã chữa lành để phòng ngừa tái phát; Điều trị triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày-thực quản (GERD)
- Kết hợp với kháng sinh tạo ra một phác đồ kháng khuẩn thích hợp để diệt trừ Helicobacter pylori, giúp chữa lành loét tá tràng có nhiễm Helicobacter pylori.
- Phòng ngừa nguy cơ tái phát loét dạ dày-tá tràng ở bệnh nhân loét có nhiễm Helicobacter pylori.
- Bệnh nhân cần phải điều trị bằng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) liên tục, dùng thuốc để chữa lành loét dạ dày hay dự phòng nguy cơ loét do dùng thuốc NSAID.
- Điều trị duy trì sau khi đã điều trị phòng ngừa tái xuất huyết do loét dạ dày tá tràng bằng đường tĩnh mạch.
- Điều trị hội chứng Zollinger Ellison
Trẻ vị thành niên từ 12 tuổi trở lên:
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Điều trị tình trạng viêm xước thực quản do trào ngược; Điều trị những trường hợp dài hạn cho bệnh nhân viêm thực quản đã chữa lành để phòng ngừa tái phát; Điều trị triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày-thực quản (GERD).
- Kết hợp với kháng sinh trong điều trị loét tá tràng do nhiễm Helicobacter pylori.
Hoạt chất Esomeprazol không ổn định trong môi trường acid. Cho nên người bệnh phải uống thuốc dưới dạng viên bao tan trong ruột để thuốc không bị phá hủy ở dạ dày và tăng sinh khả dụng. Khi uống phải nuốt nguyên viên thuốc với nước, không được nghiền nhỏ, nhai hoặc làm vỡ viên thuốc. Người bệnh nên uống thuốc này trước bữa ăn ít nhất một giờ, có thể dùng thuốc cùng kháng acid khi cần thiết để giảm đau.
Liều dùng
Esomeprazol được dùng dưới dạng muối magnesi nhưng liều dùng được tính theo esomeprazol:
Liều dùng cho người lớn:
Điều trị loét dạ dày - tá tràng do nhiễm Helicobacter pylori:
Esomeprazol là một thành phần trong phác đồ điều trị cùng với kháng sinh, ví dụ phác đồ 3 hoặc 4 thuốc (cùng với amoxicilin và clarithromycin hoặc clarithromycin, metronidazol và bismuth). Uống esomeprazol mỗi ngày một lần 40 mg trong 10 ngày. Tùy tỷ lệ kháng thuốc ở từng địa phương để lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp là 3 hoặc 4 thuốc phối hợp với nhau (amoxicilin, clarithromycin, metronidazol, tinidazol, tetracyclin, bismuth).
Dự phòng loét dạ dày ở những người có nguy cơ cao về biến chứng ở dạ dày - tá tràng, nhưng có yêu cầu phải tiếp tục điều trị bằng thuốc chống viêm không steroid:
Uống mỗi ngày 40 mg esomeprazol.
Điều trị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản nặng có viêm trợt thực quản:
Uống mỗi ngày một lần 40 mg esomeprazol trong 4 tuần, có thể uống thêm 4 tuần nữa nếu cần. Hoặc cách khác, bắt đầu uống mỗi ngày một lần 40 mg trong 4 - 8 tuần, có thể uống thêm 4 - 8 tuần nữa nếu vẫn còn triệu chứng hoặc biểu hiện tổn thương chưa liền. Trường hợp nặng có thể tăng liều lên 80 mg/ngày chia 2 lần.
Điều trị kéo dài sau khi tiêm truyền tĩnh mạch esomeprazol để phòng ngừa xuất huyết tái phát trong loét dạ dày - tá tràng:
40 mg esomeprazol/ngày, uống trong 4 tuần sau khi tiêm truyền tĩnh mạch để phòng ngừa xuất huyết tái phát trong loét dạ dày - tá tràng.
Điều trị hội chứng Zollinger-Ellison:
Tùy theo từng cá thể và mức độ tăng tiết acid của dịch dạ dày, liều dùng mỗi ngày có thể cao hơn trong một số trường hợp, dùng một lần hoặc chia 2 lần trong ngày. Liều khởi đầu uống 40 mg esomeprazol x 2 lần/ngày. Sau đó điều chỉnh liều khi cần thiết tùy theo đáp ứng của từng bệnh nhân và tiếp tục điều trị khi còn chỉ định về mặt lâm sàng. Đa số người bệnh có thể kiểm soát được bệnh ở liều 80 - 160 mg/ngày, mặc dù có trường hợp đã phải dùng đến 240 mg mỗi ngày. Các liều lớn hơn 80 mg/ngày phải chia làm hai lần.
Liều dùng cho các đối tượng đặc biệt:
Trẻ em:
Esomeprazol dùng đường uống cho trẻ em để điều trị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản và viêm thực quản trợt xước.
Trẻ em ≥ 12 tuổi: Có thể dùng liều như người lớn.
Trẻ em < 12 tuổi: Dạng bào chế này không thích hợp dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi. Khuyến cáo cho bệnh nhân dùng các dạng bào chế khác phù hợp hơn. Độ an toàn và hiệu quả của esomeprazol dùng đường uống để điều trị ngắn hạn bệnh trào ngược dạ dày - thực quản ở trẻ dưới 1 tuổi hoặc dùng trong các trường hợp khác chưa được xác lập.
Người suy gan:
Không cần phải giảm liều ở người suy gan nhẹ hoặc trung bình.
Dạng bào chế này chứa hàm lượng không thích hợp dùng cho người suy gan nặng.
Người suy thận:
Không cần phải giảm liều ở người suy thận nhưng thận trọng ở người suy thận nặng vì kinh nghiệm sử dụng thuốc ở những bệnh nhân này còn hạn chế.
Người cao tuổi (≥ 65 tuổi): Không cần phải giảm liều ở người cao tuổi.
Lưu ý: Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.
Những tác dụng không mong muốn có thể gặp phải khi dùng thuốc gồm:
- Thường gặp: Đau đầu; Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi.
- Ít gặp: Phù ngoại biên; Mất ngủ; Choáng, buồn ngủ, dị cảm; Chóng mặt; Khô miệng; Tăng enzym gan; Viêm da, ngứa, phát ban, nổi mày đay; Làm dễ gãy xương hông, cổ tay hoặc cột sống.
- Hiếm gặp: Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu; Phản ứng quá mẫn có thể gặp như sốt, phù mạch, phản ứng phản vệ, sốc phản vệ; Hạ natri huyết; Kích động, trầm cảm, lú lẫn; Rối loạn vị giác; Nhìn mờ; Co thắt phế quản; Viêm miệng, nhiễm nấm candida đường tiêu hóa; Viêm gan kèm hoặc không kèm vàng da; Nhạy cảm ánh sáng, rụng tóc; Đau khớp, đau cơ; Mệt mỏi, đổ mồ hôi.
- Rất hiếm gặp: Giảm toàn thể huyết cầu, mất bạch cầu hạt; Biểu hiện hung tính, ảo giác; Suy chức năng gan, bệnh não gan ở những bệnh nhân bị bệnh gan từ trước; Hồng ban đa dạng, ban bọng nước, hội chứng Stevens - Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc; Yếu cơ; Viêm thận kẽ; Chứng vú to ở nam giới.
- Khác: Hạ magnesi huyết, hạ magnesi huyết nặng, hạ calci huyết; Viêm đại tràng vi thể; tăng nguy cơ nhiễm khuẩn ở đường tiêu hóa.
Khi dùng thuốc nếu người bệnh thấy xuất hiện các tác dụng phụ cần thông báo ngay cho bác sĩ. Với những tác dụng phụ nặng cần phải ngừng thuốc và tới cơ sở y tế để được điều trị.