Thông thường, độ tuổi dậy thì của bé gái khoảng 8–13 tuổi, còn bé trai từ 9–14 tuổi. Dậy thì sớm ở bé gái xảy ra nếu bé gái có kinh nguyệt trước 9 tuổi khiến bé có nhiều thay đổi về thể chất, đặc tính tâm sinh lý. Theo thống kê của Bộ Y tế thì tình trạng này đang xảy ra ngày càng phổ biến với tỷ lệ dậy thì sớm ở bé gái cao gấp 10 lần so với bé trai.
Phần lớn dậy thì ở bé gái đơn giản chỉ là phát triển trước thời hạn, theo các tài liệu y khoa thì dậy thì sớm chia thành hai nhóm chính:
Dậy thì sớm trung ương (đây là nguyên nhân phổ biến nhất): do nồng độ GnRH tăng cao dẫn đến sự bài tiết quá mức hormon sinh dục. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng GnRH tăng cao: khối u trong não hoặc tủy sống, viêm màng não, bức xạ vào não hay cột sống, suy giáp (tuyến giáp không sản xuất đủ hormon),...
Ngoài ra, còn do một số nguyên nhân khác, ví dụ như:
Béo phì: Đối với các bé gái, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng có thể sẽ có một mối liên quan giữa béo phì với việc gia tăng nguy cơ dậy thì sớm. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết chính xác mối liên quan này là gì.
Do chế độ sinh hoạt: Các em thường xuyên tiếp xúc với estrogen hay testosteron từ sớm chẳng hạn như các loại kem hay thuốc mỡ.
Các bé gái dậy thì sớm thường có các dấu hiệu sau:
Tuyến vú bắt đầu phát triển
Tăng nhanh vọt của chiều cao
Nổi mụn trứng cá
Có mùi cơ thể.
Bắt đầu có kinh nguyệt.
Thay đổi tính khí, hành vi
Mọc lông mu, lông nách
Ảnh hưởng tâm lý
Những thay đổi trên cơ thể của bé gái dậy thì sớm sẽ khiến bé ngại ngùng, xấu hổ khi thấy khác biệt so với bạn bè hay bị bạn bè trêu chọc. Điều này dẫn đến bé tự ti, trầm cảm hay thậm chí để lại di chứng tâm lý cho đến khi trưởng thành. Trong giai đoạn khó khăn này, bố mẹ cần trò chuyện, giải thích cho bé hoặc thậm chí có thể cho bé gặp chuyên gia tư vấn tâm lý để bé có thể vượt qua.
Nhận thức sai lệch về sinh lý
Sự phát triển quá sớm về tâm sinh lý có thể dẫn đến tò mò về “chuyện ấy”. Cùng với việc bé còn thiếu kiến thức về giới tính dễ dẫn đến bị kẻ xấu “lợi dụng”. Điều này có thể kéo theo hậu quả nặng nề ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của trẻ nếu mang thai hay mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục…
Bất lợi về chiều cao
Những trẻ bước vào giai đoạn dậy thì khi quá sớm thường sẽ có giai đoạn dậy thì ngắn. Ban đầu, trẻ có thể sẽ phát triển nhanh, cao lớn hơn so với các bạn cùng trang lứa. Tuy nhiên giai đoạn tăng trưởng ấy lại không kéo dài và khi giai đoạn ấy kết thúc, trẻ chậm phát triển trở lại và có thể dẫn đến những bất lợi về chiều cao.
Kết quả học tập
Những biến đổi về tâm sinh lý trong giai đoạn dậy thì có thể sẽ khiến các bé bị lơ là, bỏ bê việc học. Chính vì thế trong giai đoạn này cha mẹ cần cố gắng trò chuyện, động viên và thường xuyên liên lạc với giáo viên để đảm bảo quá trình học tập của con.
Nguy cơ bị mắc hội chứng buồng trứng đa nang
Ở những bé gái hành kinh sớm khi trưởng thành thường sẽ đối diện với nguy cơ rối loạn nội tiết tố, gây hội chứng buồng trứng đa nang.
Hiện nay có một số cách điều trị dậy thì sớm ở bé gái như sau:
Nếu các dấu hiệu đầu tiên trong độ tuổi dậy thì xuất hiện trong vòng 1 năm hay phát triển vú sớm thì chỉ cần theo dõi và cho bé tái khám thường xuyên.
Sử dụng liệu pháp đồng vận GnRH, dùng cho các trường hợp dậy thì sớm phụ thuộc GnRH. Tuy nhiên, đây là phương pháp cần tuyệt đối có sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Nếu nguyên nhân gây dậy thì sớm là do khối u sản sinh ra nội tiết như u tế bào hạt – tế bào vỏ thì phải cắt bỏ khối u. Tuy nhiên, các bé gái luôn cần được theo dõi và tái khám định kỳ đề có thể phát hiện kịp thời nếu u có tái phát ở buồng trứng đối diện.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” chính vì thế để phòng ngừa dậy thì sớm ở bé gái thì các bậc phụ huynh phải xây dựng cho con trẻ chế độ sinh hoạt, vận động lành mạnh và phù hợp.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Theo đó, cha mẹ nên đảm bảo chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ cần đầy đủ 4 nhóm chất chính (chất đạm, chất béo, bột đường, vitamin và khoáng chất), sử dụng phong phú các thực phẩm tự nhiên. Hạn chế sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích,..hay các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo và có hàm lượng đường cao.
Tăng cường vận động: Bên cạnh chế độ dinh dưỡng phù hợp, thì cũng cần khuyến khích trẻ tăng cường vận động thể dục thể thao ít nhất 30 phút/ngày. Một số môn thể thao tốt cho trẻ về cả sức khỏe thể chất và tinh thần như bơi lội, bóng rổ, đá bóng…
Hạn chế tiếp xúc với estrogen và testosterone: khi cho trẻ sử dụng sản phẩm kem, thuốc có thành phần liên quan đến hormon sinh dục thì cha mẹ cần phải chú ý và cẩn thận, tránh để con trẻ tiếp xúc quá nhiều.
Dậy thì sớm ở bé gái sẽ không còn là nỗi lo nữa khi mà các bậc phụ huynh hiểu rõ về nó. G Pharmacy+ rất vui khi nhận được sự tin tưởng và cơ hội được đồng hành cùng với các bậc cha mẹ trong hành trình lớn lên của con trẻ.