ách dùng
Thuốc dùng đường uống.
Liều dùng
Người lớn:
Điều trị ngắn hạn các triệu chứng lo âu ở người lớn trong trường hợp thất bại với các điều trị thông thường:
Dùng 50 – 150 mg/ngày trong tối đa 4 tuần.
Bệnh tâm thần phân liệt:
Bệnh nhân có triệu chứng âm tính:
Khởi đầu 200 – 400 mg, 2 lần/ngày, nếu cần tăng đến tổng liều là 800 mg/ngày.
Bệnh nhân có triệu chứng dương tính:
400 mg/lần, 2 lần/ngày, nếu cần tăng liều đến tối đa 1,2 g/lần, 2 lần/ngày.
Bệnh nhân có triệu chứng âm và dương tính kết hợp:
400 – 600 mg/lần, ngày 2 lần.
Trẻ em trên 14 tuổi:
Dùng 3 – 5 mg/kg/ngày.
Bệnh nhân cao tuổi:
Khởi đầu 50 – 100 mg/lần, ngày 2 lần, sau đó điều chỉnh liều khi cần.
Bệnh nhân suy thận:
-
Clcr = 30 – 60 ml/phút: 2/3 so với liều bình thường hoặc có thể kéo dài khoảng cách giữa các liều 1,5 lần so với người bình thường.
-
Clcr = 10 – 30 ml/phút: 1/2 so với liều bình thường hoặc có thể kéo dài khoảng cách giữa các liều 2 lần so với người bình thường.
-
Clcr < 10 ml/phút: 1/3 so với liều bình thường hoặc có thể kéo dài khoảng cách giữa các liều 3 lần so với người bình thường.
Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.
Khi sử dụng thuốc Sulpiride STELLA 50mg, bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn (ADR).
Thường gặp, ADR >1/100
Thần kinh: Mất ngủ hoặc buồn ngủ.
Nội tiết: Tăng prolactin huyết, tăng tiết sữa, rối loạn kinh nguyệt hoặc vô kinh.
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Kích thích quá mức, hội chứng ngoại tháp (ngồi không yên, vẹo cổ do co thắt, cơn quay mắt), hội chứng Parkinson; khoảng QT kéo dài (gây loạn nhịp, xoắn đỉnh).
Chống chỉ định
Quá mẫn với sulpirid hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
U tủy thượng thận.
Rối loạn chuyển hóa Porphyrin cấp.
Trạng thái thần kinh trung ương bị ức chế, hôn mê, ngộ độc rượu và thuốc ức chế thần kinh.
U phụ thuộc prolactin.
16 tuần đầu của thai kỳ và phụ nữ cho con bú.
Trẻ em dưới 14 tuổi.
Thận trọng khi sử dụng
Trong các trường hợp suy thận, cần giảm liều và tăng cường theo dõi bệnh nhân. Nếu suy thận nặng, nên cho điều trị từng đợt gián đoạn.
Cần tăng cường theo dõi khi điều trị với sulpiride bệnh nhân động kinh, người hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ, bệnh nhân cao tuổi bị sa sút trí tuệ.
Cần xác định tất cả các yếu tố nguy cơ gây huyết khối tĩnh mạch (VTE) trước và trong khi điều trị và thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Phải giảm liều dần khi ngưng thuốc do triệu chứng cai thuốc cấp tính (buồn nôn, nôn, ra mồ hôi và mất ngủ), khả năng tái phát các triệu chứng loạn thần kinh và sự xuất hiện của rối loạn vận động không tự chủ (như chứng nằm ngồi không yên, rối loạn trương lực, rối loạn vận động) có thể xảy ra khi ngưng thuốc đột ngột.
Không uống rượu hoặc dùng các chế phẩm chứa rượu trong suốt quá trình điều trị.
Ngưng thuốc tuyệt đối trong trường hợp sốt cao chưa rõ nguyên nhân.
Thuốc có chứa tá dược lactose và tinh bột mì. Không nên dùng thuốc này cho bệnh nhân có các vấn đề về di truyền hiếm gặp không dung nạp galactose, thiếu hụt enzyme lactase toàn phần hay kém hấp thu glucose-galactose; bệnh nhân dị ứng với lúa mì (khác với bệnh Coeliac) không nên dùng thuốc này.
Khả năng lái xe và vận hành máy móc
Thuốc có thể gây buồn ngủ, ảnh hưởng đến lái xe hoặc vận hành máy móc, đặc biệt là khi khởi đầu điều trị.
Thời kỳ mang thai
Không dùng cho phụ nữ mang thai, nhất là trong 16 tuần đầu của thai kỳ.
Thời kỳ cho con bú
Thuốc phân bố vào sữa mẹ với lượng tương đối lớn và có thể gây các phản ứng không mong muốn đối với trẻ bú mẹ. Do đó nên tránh sử dụng cho phụ nữ cho con bú.
Tương tác thuốc
Sucralfat hoặc các thuốc antacid: Dùng đồng thời với sulpiride làm giảm sự hấp thu của thuốc. Do đó, cần dùng sulpiride cách xa 2 giờ trước khi dùng các thuốc này.
Lithi: Dùng chung với lithi gây các phản ứng phụ ngoại tháp.
Levodopa: Chống chỉ định kết hợp với sulpiride do đối kháng cạnh tranh với các thuốc an thần kinh.
Rượu: Làm tăng tác dụng an thần của thuốc. Tránh uống các thực phẩm có cồn khi dùng thuốc này.
Các thuốc hạ huyết áp: Có thể làm tăng tác dụng hạ huyết áp và có thể hạ huyết áp thế đứng, lưu ý khi phối hợp.
Các thuốc ức chế thần kinh trung ương khác: Dùng chung làm tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương. Dùng chung với các thuốc sau gây xoắn đỉnh hoặc kéo dài khoảng QT:
- Diltiazem, Verapamil, Clonidin, Digitalis.
- Thuốc gây mất cân bằng điện giải, đặc biệt là thuốc gây hạ kali huyết: Thuốc lợi tiểu giảm kali huyết, thuốc nhuận tràng kích thích, amphotericin B (tiêm tĩnh mạch), các glucocorticoid, tetracosactid.
Cần điều chỉnh sự mất cân bằng điện giải khi điều trị phối hợp:
- Thuốc chống loạn nhịp nhóm Ia như: Quinidin, disopyramide.
- Thuốc chống loạn nhịp nhóm III như: Amiodaron, sotalol.
- Các thuốc khác: Pimozid, haloperidol, methadone, thuốc chống trầm cảm imipramine, lithi, cisaprid, thioridazine, erythromycin (IV), halofantrine, pentamidine.