Tổng hợp các nguyên nhân bị Gout, chẩn đoán và cách điều trị

Thứ hai - 21/02/2022 22:48
Ông bà ta khi xưa thường gọi vui bệnh Gout là “bệnh nhà giàu”, nhưng trong thời đại hiện nay khi kinh tế Việt Nam đang phát triển, đời sống người dân được nâng cao thì Gout có thể bắt gặp ở nhiều đối tượng. Theo các thống kê cho thấy, tỷ lệ người bị Gout ở Việt Nam chiếm khoảng 0,02-0,2% dân số, trong đó nam giới là chủ yếu (95%) còn nữ giới thường gặp ở độ tuổi mãn kinh.

1. Định nghĩa bệnh Gout

Gout là bệnh lý rối loạn chuyển hóa nhân purin trong thận làm thận mất khả năng lọc acid uric, khiến nồng độ trong máu của acid này tăng cao. Các tinh thể nhỏ của acid uric cũng dần được hình thành từ đó và tập trung lại ở các khớp gây viêm sưng, đau đớn cho người bệnh. Biểu hiện trên lâm sàng rõ nhất của Gout chính là tình trạng viêm khớp cấp tính tái phát, đặc biệt là khớp ở ngón chân cái.

bi Gout 1
Khớp ngón chân cái là vị trí dễ lắng đọng tinh thể acid uric nhất

2. Nguyên nhân bị Gout

2.1. Nguyên phát

Đây là nguyên nhân của đa số các trường hợp bị Gout, tuy nhiên cơ chế gây bệnh cụ thể vẫn còn chưa rõ ràng. Bệnh thường khởi phát hay diễn tiến nặng hơn khi ăn những loại thực phẩm giàu purin như tôm, cua, gan, lòng đỏ trứng,...đặc biệt là lại uống thêm cả bia, rượu. 

2.2. Thứ phát

  • Do nguyên nhân di truyền (các rối loạn về gen) nhưng thường hiếm gặp.

  • Do tăng sản xuất hoặc giảm thải trừ acid uric hoặc kết hợp cả hai trong một số trường hợp sau:

  • Suy thận mạn

  • Bệnh gây tiêu tế bào quá mức: bệnh bạch cầu mạn, thiếu máu huyết tán,...

  • Do dùng thuốc: Corticoid, thuốc lợi tiểu, aspirin, thuốc chống lao, thuốc điều trị ung thư,...

3. Các giai đoạn tiến triển của bệnh

3.1. Giai đoạn 1

Đây được gọi là giai đoạn tăng acid uric máu không triệu chứng. Nghĩa là lúc này, nồng độ acid uric đã vượt quá ngưỡng bão hòa trong máu (> 420 µmol/l với nam và > 360 µmol/l với nữ) nhưng chưa gây ra các triệu chứng khó chịu cho người bệnh.

3.2. Giai đoạn 2

Ở thời điểm này, nồng độ acid uric trong máu đã tăng lên rất cao dẫn đến hình thành các tinh thể ở ngón chân (hay còn gọi là các nốt tophi). Các nốt này thường xuất hiện trên sụn vành tai, khuỷu tay, ngón chân cái, gót chân, mu bàn chân, gân gót,...Lúc này, người bệnh cảm nhận được khớp bị đau nhưng những cơn đau này thường không kéo dài và chỉ một thời gian sau, các triệu chứng khác của bệnh Gout sẽ xuất hiện với cường độ và tần suất dày hơn.

3.3. Giai đoạn 3

Trong giai đoạn này, các triệu chứng của bệnh vẫn tồn tại và các tinh thể acid uric sẽ tấn công nhiều khớp. Người bệnh ở giai đoạn này thường hiếm gặp hơn hai giai đoạn trước vì đa số đã được kiểm soát và điều trị tại giai đoạn 2.

4. Triệu chứng của bệnh Gout

4.1. Đợt Gout cấp

Ở bệnh nhân bị Gout thì theo thời gian, lượng tinh thể urat lắng đọng tại khớp càng tăng lên, đến khi quá nhiều thì chúng tràn cả ra khỏi sụn. Lúc này, bao hoạt dịch sẽ bị cọ xát bởi các tinh thể cứng sắc gây ra đợt bùng phát của sưng đau và viêm gọi là đợt Gout cấp.

Một cơn Gout cấp điển hình thường mang những đặc điểm sau:

  • Triệu chứng: sưng, nóng, đỏ, đau, da trên khớp sáng bóng hoặc có thể bong ra

  • Thời gian: thường vào ban đêm, ban ngày có thể giảm hoặc hết đau; kéo dài khoảng 1 tuần và có thể lan sang các khớp khác nếu không được điều trị.

  • Vị trí: thường là các khớp chi dưới, đặc biệt khớp bàn ngón chân cái (60-70%).

4.2. Hạt Tophi

Tophi là các hạt nhỏ, chắc và có thể nhìn thấy ở bên dưới da, được tạo thành do sự tích tụ ngoài khớp của các tinh thể urat. Các hạt tophi này thường được bắt gặp ở các vị trí như trên đầu ngón chân, gót chân sau, mặt sau của các ngón tay, quanh khuỷu tay, đầu gối,...Đây đều là các khu vực rất dễ bị tỳ đè, va chạm khiến bệnh nhân tự chọc vào chính hạt Tophi của mình gây vỡ, loét và chảy dịch. Đây chính là cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập vào và gây nhiễm trùng hạt Tophi.

bi Gout 2
Bệnh nhân nhập viện với nhiều nốt Tophi lở loét

5. Chẩn đoán

5.1. Lâm sàng

Khi khám lâm sàng, các bác sĩ cần quan sát xem có hay không các triệu chứng điển hình của đợt Gout cấp hay hạt Tophi như đã nêu ở trên.

5.2. Cận lâm sàng

  • Xét nghiệm máu: thấy acid uric máu tăng, nhưng vẫn bắt gặp khoảng 40% bệnh nhân có cơn Gout cấp nhưng acid uric máu bình thường. 

  • Định lượng acid uric niệu 24h: nhằm xác định tăng acid uric đó tăng sản xuất hay giảm đào thải.

  • Xét nghiệm dịch khớp để tìm tinh thể urat.

  • Chụp X-quang khớp: thường phải đến giai đoạn muộn mới thấy hình ảnh đầu xương bị khuyết, khe khớp bị hẹp và xuất hiện gai xương.

  • Các xét nghiệm khác: CRP tăng, tốc độ máu lắng tăng,...

5.3. Chẩn đoán xác định

  • Tiêu chuẩn Bennet và Wood: được sử dụng phổ biến hơn cả ở Việt Nam với độ nhạy 70% và độ đặc hiệu 82,7%.

  • Tiêu chuẩn ILAR và Omeract cũng có cùng độ nhạy 70% nhưng độ đặc hiệu thấp hơn tiêu chuẩn trên, chỉ 78,8%.

6. Điều trị

6.1. Nguyên tắc chung

  • Điều trị giảm đau chống viêm khớp trong các cơn Gout cấp.

  • Dự phòng tái phát cơn Gout cấp, dự phòng lắng đọng các tinh thể urat và dự phòng biến chứng Gout.

  • Mục tiêu điều trị: với Gout chưa có hạt tophi, acid uric máu < 360 µmol/l (60 mg/l); với Gout có hạt tophi, acid uric máu < 320 µmol/l (50 mg/l).

6.2. Điều trị cụ thể

  • Điều trị nội khoa

  • Điều trị cắt cơn Gout cấp: bắt đầu điều trị ngay tại thời điểm chẩn đoán cơn Gout cấp, ưu tiên đơn trị liệu bằng Colchicin, kết hợp Colchicin với NSAIDs hoặc Corticoid trong trường hợp viêm khớp lớn hoặc viêm nhiều khớp.

  • Điều trị hạ acid uric máu: Allopurinol, Febuxostat.

  • Điều trị dự phòng tái phát cơn Gout cấp: ưu tiên sử dụng Colchicin liều thấp (0,5mg/ngày), lưu ý cần giảm liều theo mức lọc cầu thận trên bệnh nhân suy thận.

  • Điều trị ngoại khoa: phẫu thuật cắt bỏ hạt Tophi được chỉ định khi có biến chứng loét, nhiễm trùng hoặc vì lý do thẩm mỹ.

  • Chế độ ăn uống - sinh hoạt

  • Hạn chế sử dụng rượu bia, chất kích thích, thức ăn chứa nhiều nhân purin (thuỷ hải sản có vỏ, thịt màu đỏ, nội tạng động vật).

  • Nên sử dụng các sản phẩm ít béo như sữa chua hay trái cây tươi, rau củ quả, thịt trắng như thịt gà thay cho thịt đỏ.

bi Gout 3
Những thực phẩm có lợi cho người bị Gout
  • Bổ sung thêm Canxi, các vitamin, khoáng chất giúp tăng mật độ xương; các dưỡng chất sụn khớp như Glucosamin, Collagen type II, Methyl sulfonyl methane, Acid hyaluronic, Chondroitin sulfat,...giúp phục hồi và tái tạo sụn khớp.

  • Luyện tập thể dục thể thao vừa đủ, đều đặn, duy trì cân nặng lý tưởng.

7. Kết luận

Ở bài viết trên, chúng tôi đã giúp các bạn có một cái nhìn chính xác và cụ thể về bệnh Gout. Bất kể ai thì cũng nên chủ động trang bị cho mình kiến thức để có thể phòng tránh (nếu chưa bị Gout) hoặc chung sống hòa bình và chiến đấu với căn bệnh này (nếu đã bị Gout). Chúc cho bạn luôn có hệ xương khớp khỏe mạnh nhé! 

Xem thêm: 
Bệnh cứng khớp gối: triệu chứng, nguyên nhân và cách khắc...
Nguyên nhân cứng khớp gối và cách điều trị hiệu quả
Thoái hóa khớp gối nên làm gì? Nguyên nhân và triệu chứng...

Chào bạn! Chúng tôi là G Pharmacy+ chuyên gia chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp chủ động. Chúng tôi cung cấp thông tin và giải pháp chăm sóc sức khỏe chủ động cho bạn và gia đình. Để cập nhật những thông tin mới nhất từ chúng tôi hãy tải ngay App G pharmacy+ tại App Store , CH Play.
Mọi câu hỏi tư vấn xin liên hệ hotline: 1900 638 315 hoặc 0981 110 951
Trân trọng!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây