1. Đau nhức xương khớp là gì?
Đau nhức xương khớp là thuật ngữ chung dùng để mô tả các triệu chứng phát sinh ở hệ thống xương khớp. Ví dụ như đau nhức, tê bì, sưng khớp, cứng khớp hay khó khăn khi vận động.
Trên thực tế, dấu hiệu đau nhức xương khớp thường gặp ở người cao tuổi khi hệ xương khớp suy yếu bởi sự lão hóa tự nhiên. Tuy nhiên, với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, các dấu hiệu này sớm xuất hiện ở cả những người trẻ tuổi và phổ biến hơn ở một số đối tượng như lái xe, nhân viên văn phòng, công nhân may hay những người phải làm việc mang vác nặng nhọc...
2. Các dấu hiệu đau nhức xương khớp
Các dấu hiệu đau nhức xương khớp chung
Khớp gối, háng, các khớp cổ tay, bàn tay, ngón chân hay thậm chí là khớp vai hay cột sống cổ, cột sống thắt lưng,... là những vị trí mà chúng ta có thể bắt đầu phát hiện các dấu hiệu đau nhức xương khớp dưới đây:
Đau nhức ở một hay nhiều khớp cùng lúc
Có cảm giác ấm nóng khi sờ vào khớp
Hạn chế, khó khăn khi vận động
Phát ra tiếng lục cục khi cử động
Có cảm giác kim chích, kiến bò
Nguyên nhân gây đau nhức xương khớp không phải do bệnh lý
Vận động quá mức
Tập luyện thể dục thể thao hay lao động quá mức trong thời gian dài hay trong điều kiện tập luyện không đảm bảo sẽ gây áp lực lên xương khớp. Lúc này, cơ và khớp luôn ở trong tình huống chịu lực quá tải nên rất dễ dẫn đến đau nhức, triệu chứng đau tăng khi vận động, thường đau nhiều hơn về cuối ngày, thậm chí nghe tiếng lạo xạo trong khớp và bị giới hạn vận động khớp.
Ít vận động
Ít khi dành thời gian để vận động, tập luyện thể dục thể thao cũng làm cho các tế bào mô ít hoạt động, gân cơ bị co rút, dịch khớp không được bài tiết đều đặn. Chính vì thế các khớp xương kém linh hoạt chèn ép lên các dây thần kinh ở khớp khiến người bệnh cảm nhận được cảm giác đau đớn rõ ràng hơn.
Mang vác nặng
Đau vai gáy, gai cột sống cổ, thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm… là dấu hiệu dễ nhận thấy khi làm việc cường độ cao và mang vác khối lượng lớn lâu ngày. Hơn thế, đau vai gáy lâu ngày còn khiến cho các dây thần kinh bị chèn ép dẫn đến tê tay, teo cơ, liệt nửa người hoặc thậm chí đột quỵ.
Béo phì
Người bị thừa cân, bị béo phì là nhóm đối tượng dễ gặp phải vấn đề đau nhức xương khớp nhất. Cân nặng quá vượt cao mức có thể gây nên áp lực cho các khớp trong cơ thể, nhất là đầu gối, cột sống và hông. Theo nghiên cứu, cứ tăng 1kg trọng lượng cơ thể thì áp lực đè xuống khớp gối và hông có thể tăng lên tới 8kg.
Căng thẳng
Stress liên tục sẽ ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất làm giảm tiết chất nhờn khiến khớp bị khô dẫn đến đau nhức khi hoạt động. Hơn nữa, căng thẳng quá độ cũng có thể gây phản ứng viêm và làm khớp sưng lên, vận động của khớp trở nên ít linh hoạt hơn. Đó là chưa kể khi stress, bạn sẽ bỏ qua đi việc vận động hoặc thư giãn và điều này khiến cho tình trạng đau nhức, mệt mỏi tăng nặng.
Chấn thương
Từng bị tai nạn hay chấn thương trong công việc, do tập luyện thể dục thể thao… dù đã chữa khỏi nhưng di chứng vẫn sẽ ở lại với xương khớp mãi về sau. Đặc biệt là những lúc thời tiết thay đổi hay mang vác nặng, tại vị trí bị chấn thương sẽ xuất hiện cơn đau nhói rất khó chịu.
Dị tật bẩm sinh
Nhiều bất thường cơ xương khớp ở trẻ em không được phát hiện cho đến khi xuất hiện các dấu hiệu như trẻ không biết bò, đi, đứng theo độ tuổi… thì mới được quan tâm. Những dấu hiệu này cảnh báo dị tật cơ xương khớp ở trẻ như vẹo cổ và vẹo cổ bẩm sinh, vẹo cột sống, trật khớp háng, duỗi ưỡn khớp gối bẩm sinh, cứng đa khớp...
Ngồi sai tư thế
Việc ngồi sai tư thế như cong lưng, lệch vai khiến xương chịu một áp lực rất lớn. Từ đó, các sụn xương, đốt sống lưng và đốt sống cổ của xương bị tổn thương nghiêm trọng. Khi tình trạng đau nhức nặng hơn, người bệnh có nguy cơ bị chấn thương ở vùng đĩa đệm cột sống, đau ngực và căng tức lồng ngực, tay khó cử động trong lúc làm việc hay vào buổi tối.
Nguyên nhân gây đau nhức xương khớp do bệnh lý
Một số bệnh lý gây đau nhức xương khớp
Thoái hóa khớp
Khi bị thoái hóa khớp, lớp sụn vốn có chức năng hấp thụ lực khi di chuyển trở nên hư tổn khiến các đầu xương chà xát vào nhau, trục xương cong vào trong. Để phân biệt đau nhức xương khớp do thoái hóa khớp với những bệnh xương khớp khác, thường dựa vào đặc điểm của cơn đau, với thoái hóa khớp thì cơn đau thường tăng lên mỗi khi khớp cử động và giảm khi được nghỉ ngơi. Ngoài ra, thời tiết thay đổi cũng khiến cơn đau bộc phát. Đặc biệt, người bệnh thường rơi vào tình trạng cứng khớp vào buổi sáng khi thức dậy nhưng sẽ thuyên giảm dần. Sụn và xương dưới sụn tổn thương càng nặng thì cảm giác đau nhức hoặc cứng khớp càng gia tăng và dai dẳng hơn, làm hạn chế vận động, biến dạng các khớp, thậm chí có nguy cơ tàn phế.
Viêm khớp dạng thấp
Ngoài thoái hóa khớp, biểu hiện đau nhức xương khớp có thể là dấu hiệu của viêm khớp dạng thấp. Đây là một trong những bệnh rối loạn tự miễn mà cơn đau thường xảy ra ở nhiều khớp nhỏ và mang tính đối xứng nhau như đau ở cả hai đầu gối, hai ngón tay cùng vị trí ở cả hai bàn tay, kèm theo đó là hiện tượng sưng, nóng, đỏ. Ngoài ra, bệnh gây cứng các khớp mỗi buổi sáng hoặc sau khi ngồi yên bất động trong một quãng thời gian. Nếu không được điều trị sớm, kịp thời thì bệnh sẽ phá hủy sụn khớp và xương dưới sụn, gây biến dạng khớp, làm mất khả năng lao động, gia tăng nguy cơ tàn phế.
Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm bị ép lồi, lệch ra khỏi vị trí bình thường gây chèn ép lên tủy sống hoặc các rễ dây thần kinh. Tại vị trí thoát vị đĩa đệm sẽ xuất hiện những cơn đau nhức có thể lan sang cánh tay, mông và chân dọc theo dây thần kinh khiến người bệnh vô cùng khó chịu, đứng ngồi không yên.
Đau thần kinh tọa
Khi dây thần kinh hông to tổn thương sẽ gây đau nhói ở vùng thắt lưng, cơn đau lan qua vùng mông, đùi, gây đau tê chân, đồng thời việc đi lại cũng khó khăn, cử động nhói đau.
Bệnh Gout
Cơn đau xương khớp do bệnh gút gây ra có thể kèm theo sốt cao, nhức đầu, mệt mỏi. Người mắc bệnh Gout cũng có dấu hiệu đau nhức xương khớp do tinh thể urat lắng đọng trong màng hoạt dịch khớp gây đau nhức, kèm sưng, nóng, đỏ ở một hoặc nhiều khớp, thường gặp là khớp ngón chân, cổ chân, gối, và khớp bàn tay. Khi chuyển sang giai đoạn mạn tính, các khớp có thể bị biến dạng vĩnh viễn, phá hủy sụn.
Loãng xương
Ở người bị loãng xương, có thể có dấu hiệu đau nhức xương khớp và được mô tả là đau ở trong xương. Bệnh diễn tiến chậm theo thời gian, tuổi tác dẫn tới tình trạng bệnh ngày càng nặng và hậu quả là xương yếu dần, rất dễ bị gãy. Vì vậy, nếu khi có biểu hiện đau nhức tại các đầu xương hay đau mỏi dọc theo các xương dài như: cột sống thắt lưng, đùi, đau như châm chích toàn thân và tăng về đêm thì đó là dấu hiệu cảnh báo. Tình trạng loãng xương sẽ càng trở nên nặng hơn khi về già do độ tuổi này mật độ xương không đảm bảo đủ mức cho phép để đảm bảo xương cứng chắc như lúc ở tuổi trưởng thành.
Lao xương khớp
Lao xương khớp là một dạng bệnh lý nhiễm khuẩn, tác nhân gây bệnh là trực khuẩn lao mycobacterium tuberculosis gây ra. Các khớp bị vi khuẩn lao tấn công thường bị đau nhẹ hoặc vừa phải và sưng to nhưng không nóng, không đỏ, làm cho các hoạt động gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn, nếu lao khớp háng thì không co duỗi được chân, lao cột sống thì không cúi, gập, không ngửa được… lâu dần có thể gây teo cơ, liệt.
3. Biến chứng
Các dấu hiệu ban đầu tại khớp khớp như đau nhức, tê bì, sưng khớp, cứng khớp hay khó khăn khi vận động nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến hàng loạt các biến chứng nguy hiểm sau:
Mất chức năng vận động thông thường: Căng cứng khớp, yếu cơ, kiệt sức hoặc có thể mất đi chức năng vận động thông thường như cầm nắm… và mất đi khả năng lao động.
Mắc bệnh tim mạch: Khi bị biến chứng vào tim, bệnh nhân cảm thấy nhịp tim nhanh, khó thở, đau ngực trái…
Rối loạn đại tiểu tiện: Dây thần kinh tọa bị chèn ép gây bí tiểu, đại tiểu tiện không tự chủ.
Tổn thương cột sống: Chèn ép dây thần kinh, đau dai dẳng, khó khăn trong sinh hoạt, nguy cơ liệt cao.
Teo cơ, biến dạng khớp: Đau khớp, chèn ép thần kinh, vận động khó, để lâu gây teo cơ, biến dạng khớp, dính khớp, thậm chí là bại liệt nếu ở giai đoạn cuối của bệnh mà người bệnh vẫn không được điều trị bệnh thích hợp và đúng cách.
4. Lời khuyên cho những người bị đau nhức xương khớp
Thể dục thể thao
Luyện tập thể dục thể thao giúp nâng cao sức khỏe và tăng cường độ vững chắc cho xương khớp: đi bơi, đạp xe đạp, đi bộ, dưỡng sinh… Thế nhưng, mỗi ngày chỉ nên tập luyện từ 30 - 60 phút (tùy thể chất mỗi người) bởi vì tập luyện quá sức sẽ gia tăng nguy cơ đau nhức xương khớp.
Điều chỉnh tư thế
Tập tư thế tốt nhất cho các khớp xương chính là đứng thẳng, tránh nằm lâu, ngồi lâu, đứng lâu một chỗ gây ứ trệ tuần hoàn máu và cứng khớp. Ngồi làm việc phải điều chỉnh sao cho phần vai của mình được thả lỏng, lưng thẳng và dựa vào ghế. Sau từ 1 tiếng cho đến 2 tiếng làm việc, bạn nên đứng dậy và đi lại, vận động thật nhẹ nhàng để cơ trong cơ thể có thời gian thư giãn.
Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng bao gồm vitamin A, D, C, B… protein, chất đạm và các khoáng chất thiết yếu như magie, canxi, photpho… nhưng vẫn kiểm soát tốt cân nặng. Hãy cố gắng giảm cân nếu trọng lượng cơ thể đã vượt qua mức chuẩn nhằm giảm áp lực tác động lên khớp
Làm việc quá sức, stress, mệt mỏi… là những yếu tố khiến sức khỏe xương khớp bị suy giảm. Vậy nên, ngay khi còn trẻ hãy tập cho mình thói quen nghỉ ngơi điều độ: ngủ đủ giấc, cân bằng tâm trạng bằng cách đọc sách, tập yoga, nghe nhạc để giải tỏa căng thẳng.
Bệnh về xương khớp không nguy hiểm tới tính mạng của bệnh nhân ngay lập tức, nhưng về lâu dài, nếu không điều trị, bệnh có thể biến chứng và làm suy giảm trầm trọng chất lượng cuộc sống, cũng như có thể gây ra tàn tật vĩnh viễn. Chính vì vậy, việc bổ sung các dưỡng chất sụn khớp như collagen II, glucosamin sulfat, chondroitin sulfat, acid hyaluronic, methyl sulfonyl methane,... đặc biệt quan trọng giúp tăng cường dịch khớp và chất căn bản nhằm phục hồi và tái tạo sụn khớp.
Xem thêm:
Tổng hợp 7+ nguyên nhân bị bệnh viêm xương khớp ai cũng nên...
Làm gì để khắc phục đau nhức xương khớp khi thời tiết thay...
Thận trọng các nguyên nhân gây đau nhức xương khớp tê bì...
Chào bạn! Chúng tôi là G Pharmacy+ chuyên gia chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp chủ động. Chúng tôi cung cấp thông tin và giải pháp chăm sóc sức khỏe chủ động cho bạn và gia đình. Để cập nhật những thông tin mới nhất từ chúng tôi hãy tải ngay App G pharmacy+ tại App Store , CH Play.
Mọi câu hỏi tư vấn xin liên hệ hotline: 1900 638 315 hoặc 0981 110 951
Trân trọng!