Vậy do đâu mà khớp vai bị thoái hóa và làm thế nào để điều trị bệnh hiệu quả?
Để hiểu rõ hơn về thoái hóa khớp vai, chúng ta nên tìm hiểu đôi chút về cấu tạo và chức năng của bộ phận này. Về cơ bản vùng vai bao gồm xương cánh tay, xương bả vai và xương đòn. Chúng liên kết với nhau bằng 4 khớp riêng biệt để đảm bảo cho chi trên hoạt động linh hoạt.
Khớp vai được xem như khớp hoạt động nhiều nhất của cơ thể. Với biên độ chuyển động lớn, nó cần sự giúp đỡ từ các nhóm cơ, gân và dây chằng để đạt được độ ổn định như những khớp khác.
Thoái hóa khớp vai là tình trạng tổn thương dẫn đến bào mòn lớp sụn, mô xương dưới sụn và kèm theo phản ứng viêm và giảm lượng dịch ở khớp. Bệnh thường xảy ra ở điểm nối xương đòn - xương bả vai (khớp AC), đem đến cho người bệnh những cơn đau mỏi khó chịu, ảnh hưởng đến công việc và chất lượng cuộc sống.
Trên thực tế, khớp vai có thể đã bị thoái hóa trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm trước khi các triệu chứng của bệnh xuất hiện rõ ràng. Bởi vậy nên trong thời gian đầu, không ít người bệnh chủ quan với những cơn đau vì cho rằng đây chỉ là hậu quả của việc lười vận động hoặc đơn giản hơn chỉ là dấu hiệu tuổi già. Điều này khiến cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh thiếu đi tính kịp thời và thậm chí sẽ làm tăng rủi ro phát sinh biến chứng, dẫn đến tàn tật.
Vậy nên khi thấy vùng vai gặp phải những dấu hiệu dưới đây, bạn hãy nhanh chóng tiến hành thăm khám để có được những phương pháp điều trị phù hợp.
Đau nhức vai: Khác với triệu chứng đau khi căng cơ hoặc chấn thương vùng ngoài, ở thoái hóa khớp vai những cơn đau thường diễn ra ở sâu bên trong và có thể xảy ra ngay cả khi bệnh nhân chỉ cử động vai bình thường. Ngoài ra, triệu chứng đau còn có thể xuất hiện từng cơn hoặc âm ỉ vào ban đêm, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của người bệnh.
Sưng vai: Sự ma sát giữa các đầu xương ở khớp vai sẽ kích thích phản ứng viêm, gây ra sưng nóng. Tuy nhiên, nếu so với những trường hợp viêm ở đầu gối hoặc bàn tay thì biểu hiện sưng vai do viêm không quá rõ ràng. Người bệnh có thể phát hiện ra khi sờ vào vùng vai.
Cứng khớp vai: Cứng khớp sẽ khiến hoạt động của vai kém linh hoạt hơn, gây hạn chế trong hoạt động sinh hoạt thường ngày. Với một số trường hợp nặng hơn, người bệnh thậm chí không thể cử động vùng vai, xoay bả vai hay vòng tay về sau,...
Phát ra tiếng khi cử động khớp vai: Giảm dịch ổ khớp và sụn khớp vai bị bào mòn sẽ làm lộ các đầu xương, làm tăng độ ma sát giữa chúng. Người bệnh có thể dễ dàng nghe thấy các âm thanh lạo xạo điển hình phát ra từ khớp vai khi cử động vai.
Vai yếu và xuất hiện tình trạng teo cơ: Khi bị thoái hóa khớp vai sẽ yếu dần đi và trong trường hợp bệnh đã tiến triển thì rất có thể dẫn đến tình trạng teo cơ, không còn chắc khỏe như bình thường.
Tương tự như các bệnh lý về xương khớp khác, việc tìm ra đúng nguyên nhân sẽ hỗ trợ rất nhiều trong chẩn đoán cũng như điều trị bệnh. Những nguyên nhân gây thoái hóa khớp vai có thể kể đến như sau:
Do tuổi tác: Càng lớn tuổi cơ thể càng dễ phải đối mặt với các bệnh về thoái hóa xương khớp. Do phải hoạt động nhiều với biên độ vận động lớn nên quá trình bào mòn sụn khớp tại khớp vai thường biểu hiện rõ ràng sau 50 tuổi.
Thoái hóa khớp vai do chấn thương: Những chấn thương như trật khớp, gãy xương do tập luyện quá sức hay trong quá trình lao động có thể gây tổn thương cho khớp vai. Lâu dần, những chấn thương này sẽ dẫn tới viêm nhiễm và thoái hóa.
Do béo phì: Khác với các bộ phận khác như khớp gối hoặc khớp háng thì vùng vai không phải chống đỡ trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên tình trạng thừa cân, béo phì vẫn tạo điều kiện cho các phản ứng viêm toàn thân xảy ra tại khớp vai, qua đó góp phần tăng thêm sự phát triển của quá trình thoái hoá.
Do dị tật bẩm sinh: Những người có cấu trúc xương kém, vị trí xương không đúng theo giải phẫu sinh lý ngay từ khi sinh ra sẽ có nguy cơ cao bị trật khớp vai, lâu dần sẽ dễ dẫn đến thoái khóa. Các yếu tố bẩm sinh khác hay viêm khớp nhiễm trùng cũng làm tăng nguy cơ mắc thoái hóa khớp vai.
Do thói quen sinh hoạt và lao động: Công nhân hay người lao động thường xuyên phải mang vác nặng, khiến khớp vai phải chịu nhiều áp lực dễ dẫn đến tổn thương. Xương và sụn khớp vai ngày chịu nhiều sức ép, lâu dần sẽ bị bào mòn sinh ra đau nhức và thoái hóa. Các thói quen sinh hoạt xấu như ngồi làm việc hoặc nằm ngủ sai tư thế, chế độ ăn uống, sinh hoạt không khoa học, sử dụng nhiều thuốc lá, rượu, bia và các chất kích thích cũng là nguyên nhân gây thoái hóa.
Trên thực tế, thoái hóa khớp là một vấn đề sức khỏe mạn tính và không có cách chữa lành hoàn toàn. Tuy vậy có rất nhiều cách giúp giảm các cơn đau, đồng thời duy trì chức năng vận động, tính linh hoạt của khớp bị tổn thương như
Xây dựng lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, khoa học. Duy trì vận động nhẹ nhàng thường xuyên, tập bài tập thể dục phù hợp, đều đặn.
Bổ sung thêm các dưỡng chất sụn khớp như Glucosamin sulfat, Collagen typ II “không biến tính”, Methyl Sulfonyl Methane, Acid hyaluronic và Chondroitin sulfate để làm chậm quá trình tiến triển của thoái hóa khớp vai.
Bên cạnh đó, người bệnh cần tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ để kiểm soát quá trình của bệnh, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng phát sinh.
Bác sĩ sẽ đề xuất giải pháp điều trị tùy thuộc vào tình trạng của mỗi bệnh nhân nhưng nhìn chung, các hướng điều trị thường là:
Thuốc giảm đau kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs) như aspirin, ibuprofen, naproxen… có thể xem là trị liệu đầu tay giúp bệnh nhân thoái hóa khớp vai tạm thời giảm bớt những cơn đau nhức. Tuy vậy, cần lưu ý rằng NSAIDs chỉ có hiệu quả trong thời gian ngắn và có nguy cơ gây tổn thương đến đường tiêu hoá, thận và tim mạch khi dùng lâu dài hoặc quá liều. Vậy nên với những ai có tiền sử mắc bệnh liên quan đến các cơ quan, bộ phận trên, cần điều chỉnh đơn thuốc (theo hướng dẫn của bác sĩ) bằng các NSAIDs chọn lọc COX-2 hoặc thuốc giảm đau tại chỗ (thường là kem hoặc gel bôi ngoài da).
Thuốc tiêm thường được cân nhắc đến trong trường hợp người bệnh không đáp ứng tốt với các thuốc giảm đau dạng uống hoặc bôi ngoài da.
Tiêm steroid cục bộ làm giảm đau sưng và cứng vai nhanh chóng
Tiêm acid hyaluronic giúp bôi trơn khớp vai
Vật lý trị liệu là một phương pháp không thể thiếu trong hầu hết phác đồ điều trị thoái hóa khớp vai vì giúp giảm đau, cứng vai do thoái hóa và góp phần cải thiện biên độ vận động của khớp.
Bạn nên tham khảo các chuyên gia vật lý trị liệu để có kế hoạch tập luyện phù hợp và hãy bắt đầu với cường độ từ thấp lên cao để cơ thể có thời gian thích nghi, từ đó tối ưu hoá hiệu quả điều trị.
Nếu những phương pháp trên không đem lại kết quả như mong muốn, bác sĩ sẽ cân nhắc bàn bạc với người bệnh về phương án phẫu thuật như thay khớp vai toàn phần hoặc bán phần hay cắt bỏ phần sụn khớp bị hư tổn
Hi vọng bài viết đã đem đến cho bạn cái nhìn toàn diện về thoái hóa khớp vai. Để tăng cường sức khỏe và độ dẻo dai cho cơ thể, phòng tránh tình trạng bệnh lý này xảy ra, ngay từ bây giờ bạn và gia đình hãy chủ động thực hiện chế độ ăn uống khoa học kết hợp rèn luyện thể dục thể thao đều đặn.
Xem thêm:
Những nguyên nhân gây thoái hóa cột sống và cách phòng ngừa
Làm thế nào để xua tan thoái hóa cột sống thắt lưng ở người...
Chào bạn! Chúng tôi là G Pharmacy+ chuyên gia chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp chủ động. Chúng tôi cung cấp thông tin và giải pháp chăm sóc sức khỏe chủ động cho bạn và gia đình. Để cập nhật những thông tin mới nhất từ chúng tôi hãy tải ngay App G pharmacy+ tại App Store , CH Play.
Mọi câu hỏi tư vấn xin liên hệ hotline: 1900 638 315 hoặc 0981 110 951
Trân trọng!