6 biểu hiện thiếu máu não nhất định không được chủ quan

Thứ ba - 23/11/2021 23:58
Người bệnh thường chủ quan với các biểu hiện thiếu máu não nhẹ. Bài viết cung cấp kiến thức về các biểu hiện của thiếu máu não và đưa ra lời khuyên về chế độ ăn, lối sống lành mạnh.

Người bệnh thường chủ quan với các biểu hiện thiếu máu não ban đầu như mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt,… Tuy nhiên, thiếu máu não nếu không sớm được cải thiện có thể dẫn đến tình trạng nguy hiểm hơn là đột quỵ. Hiểu rõ về các biểu hiện của bệnh thiếu máu não giúp chúng ta sớm phát hiện và ngăn ngừa bệnh, tránh được các biến chứng nguy hiểm.

1. Vậy thiếu máu não là gì?

Thiếu máu não là tình trạng giảm lưu lượng máu lên não, các tế bào não do đó không được cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng. Tình trạng này kéo dài làm tổn thương và chết các tế bào não, gây rối loạn các chức năng thần kinh trung ương

Thiếu máu não là một căn bệnh nguy hiểm

Thiếu máu não là một căn bệnh nguy hiểm

 

2. Những biểu hiện thiếu máu não cần lưu ý

Biểu hiện của thiếu máu não thường nhẹ, khó nhận biết và dễ nhầm lẫn với các tình trạng bệnh lý khác như: suy nhược cơ thể, rối loạn tiền đình, tiền mãn kinh,... Do đó, người bệnh thường có tâm lý chủ quan, không được thăm khám và điều trị kịp thời, lâu dài có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm: thiếu máu cục bộ, liệt não, đột quỵ, …

2.1 Đau đầu

Đau đầu là biểu hiện phổ biến ở những người bị thiếu máu não. Cảm giác đau nhói bắt đầu từ một vùng cố định rồi lan dần ra khắp đầu. Tần suất xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn, người bệnh luôn có cảm giác căng và nặng đầu. Các triệu chứng đặc biệt tăng khi gặp stress, suy nghĩ nhiều, lúc mới ngủ dậy hoặc khi di chuyển trên các phương tiện giao thông.

biểu hiện thiếu máu não phổ biến là đau đầu
Đau đầu là biểu hiện thiếu máu não phổ biến

2.2 Hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn

Đây là biểu hiện thường gặp nhưng cũng dễ nhầm lẫn với các tình trạng bệnh khác như: hạ huyết áp, rối loạn tiền đình,... Người bệnh cảm thấy nôn nao, choáng váng, đôi lúc không thể đứng vững, thị lực giảm sút. Hoa mắt, chóng mặt thường kèm theo đau đầu, có thể xuất hiện đột ngột nhưng cũng có thể kéo dài vài giờ đến vài ngày.

2.3 Ù tai, giảm thính lực

Lưu lượng máu đến tiền đình ốc tai giảm dẫn đến tình trạng ù tai, khó nghe, giảm thính lực. Người bệnh dù ngồi yên trong phòng kín gió vẫn có cảm giác ù ù gió thổi hoặc có âm thanh lạ trong tai.

2.4 Rối loạn cảm giác 

Đây là một trong những triệu chứng đầu tiên xuất hiện ở bệnh nhân bị thiếu máu não. Lượng máu đến nuôi các vùng não chi phối cảm giác không đủ, gây rối loạn cảm giác với các biểu hiện như: đau nhức, tê bì, cảm giác châm chích, râm ran như kiến bò,… Điều này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. 

2.5  Rối loạn giấc ngủ

Cảm giác căng và nặng đầu thường trực ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Người bệnh trằn trọc không yên, khó để đi vào giấc ngủ, khi ngủ không sâu, dễ bị tỉnh giấc. Có những trường hợp ban đêm không thể ngủ được, ban ngày ngủ gà ngủ gật. 

Rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tâm lý của bệnh nhân. Người bệnh dễ bị kích động, cáu gắt, … nghiêm trọng hơn là trầm cảm.

2.6 Cơ thể mệt mỏi, trí nhớ giảm sút

Vùng não không nhận được đủ oxy và dinh dưỡng trong khoảng thời gian dài, không có năng lượng để hoạt động dẫn đến cơ thể mệt mỏi, suy giảm trí nhớ. Rối loạn giấc ngủ càng làm tình trạng trầm trọng hơn. Suy giảm trí nhớ và nhận thức là biểu hiện nặng nhất của thiếu máu não.

3. Đối tượng nào có nguy cơ cao bị thiếu máu não?

Thiếu máu não trước đây thường gặp ở người cao tuổi - những người mắc bệnh mạn tính, chức năng của các cơ quan lão hóa theo thời gian. Tuy nhiên, thiếu máu não ngày càng có xu hướng trẻ hóa, xuất hiện ở những người trẻ có lối sống và môi trường làm việc không lành mạnh.

3.1 Thiếu máu não ở người cao tuổi 

Một số nguyên nhân dẫn đến bệnh thiếu máu não ở người cao tuổi chủ yếu do lão hóa của tuổi già và các bệnh lý mắc kèm, bao gồm:

- Xơ vữa động mạch: ở người già, chức năng thành mạch suy yếu, dễ hình thành các mảng xơ vữa nhất là ở động mạch cảnh.  -  Mảng xơ vữa làm thu hẹp lòng mạch, cản trở dòng máu lên não gây thiếu máu não, thậm chí là đột quỵ.
- Thoái hóa đốt sống cổ: đốt sống cổ thoái hóa ở người cao tuổi, gây chèn ép các mạch máu lưu thông lên não
- Các bệnh lý mạn tính như: suy thận, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, … Đây là các yếu tố nguy cơ mạnh mẽ thúc đẩy thiếu máu não.
- Hoạt động bơm máu của tim giảm dần theo thời gian, khả năng cung cấp máu đến các cơ quan, đặc biệt là não cũng suy giảm.
- Chế độ ăn và sinh hoạt: ở người già, các chức năng suy yếu, vấn đề về tiêu hóa cũng không ngoại lệ. Do đó, họ thường thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết cho não bộ cũng như quá trình tạo máu: vitamin B12, sắt, acid folic, … Ngoài ra, người cao tuổi có xu hướng ngại vận động do mệt mỏi, điều này cũng làm giảm lưu lượng máu lên não.

3.2 Thiếu máu não ở người trẻ

Thiếu máu não đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa: công nhân, nhân viên văn phòng, thậm chí là học sinh- sinh viên. Nhóm đối tượng này có đặc điểm là lối sống và môi trường làm việc không lành mạnh như:

- Môi trường sống ô nhiễm, khói bụi, tiếng ồn, …
- Thường xuyên căng thẳng, lo âu, chịu nhiều áp lực trong học tập,  công việc và cuộc sống
- Công việc cố định, ngồi nhiều và lười vận động
- Thường xuyên thức khuya hay công việc cần làm xoay ca gây ảnh hưởng đến giấc ngủ
- Thói quen thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích
- Chế độ ăn không lành mạnh, thừa cân, béo phì, … Đây là yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng tỷ lệ mắc các bệnh chuyển hóa sớm ở người trẻ như: đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, …

Các yếu tố ở trên kích thích cơ thể sản sinh ra nhiều gốc tự do gây hại, tăng stress oxy hóa, làm tổn thương đến mạch máu và các tế bào thần kinh, do đó làm giảm lưu thông máu đến não gây thiếu máu não.

Biểu hiện thiếu máu não ở người trẻ thường chỉ thoáng qua như chóng mặt, đau đầu, … Người trẻ có xu hướng chủ quan và ỷ lại vào sức khỏe của mình nên thường bỏ qua các triệu chứng nhẹ, khiến bệnh dễ tiến triển nặng hơn.

thieu mau nao ngay cang co xu huong tre hoa
Thiếu máu não ngày càng có xu hướng trẻ hóa

4. Cần phải làm gì khi có những biểu hiện của thiếu máu não?

Bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị nếu có bất kỳ biểu hiện thiếu máu não nào ở trên. Bác sĩ sẽ khai thác một số thông tin và tiến hành kiểm tra để chẩn đoán, bạn có thể được chỉ định một số loại thuốc. 

Bên cạnh đó, chế độ sinh hoạt và tập luyện cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và cải thiện bệnh. Chỉ một vài thay đổi nhỏ cũng đem lại hiệu quả tuyệt vời. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho bạn:

- Xây dựng một chế độ ăn lành mạnh, đủ các chất dinh dưỡng (nhóm glucid, lipid, protein, vitamin và khoáng chất). Nên bổ sung sắt tốt cho máu, thực phẩm giàu omega-3 (cá hồi, cá thu,...), thực phẩm giàu chất chống oxy hóa (dâu tây, việt quất, trà xanh,…). - Hạn chế muối, đường và các chất kích thích.
- Tăng cường vận động, luyện tập thể thao hàng ngày. Nên dành thời gian ít nhất 30 phút/ ngày, 5 ngày/tuần để tập luyện. Các bài tập nhẹ nhàng như chạy bộ, đạp xe, aerobic, yoga, …
- Thay đổi lối sống, suy nghĩ tích cực, tránh căng thẳng mệt mỏi. Thường xuyên giao lưu kết nối với bạn bè, chia sẻ với người thân, có thể trồng cây hoặc nuôi động vật, học thiền, …
- Bổ sung các thực phẩm chức năng tốt cho não bộ
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ và tuân thủ các chỉ định của bác sĩ (nếu có).

Biểu hiện thiếu máu não thường nhẹ và khiến người bệnh chủ quan hoặc nhầm lẫn với các tình trạng bệnh khác. Việc nắm rõ các biểu hiện của thiếu máu não là vô cùng quan trọng để sớm nhận biết, có các biện pháp điều trị và phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ bị đột quỵ. Người bệnh có thể thực hiện thay đổi chế độ ăn và lối sống để bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Xem thêm
Gốc tự do là gì và ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể
Tổng hợp các sản phẩm hoạt huyết dưỡng não tốt nhất  hiện nay
Chào bạn! Chúng tôi là G Pharmacy+ chuyên gia chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp chủ động. Chúng tôi cung cấp thông tin và giải pháp chăm sóc sức khỏe chủ động cho bạn và gia đình. Để cập nhật những thông tin mới nhất từ chúng tôi hãy tải ngay App G pharmacy+ tại App Store , CH Play.
Mọi câu hỏi tư vấn xin liên hệ hotline: 1900 638 315 hoặc 0981 110 951
Trân trọng!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây