1. Thế nào là đau nhức xương khớp?
Đau nhức xương khớp là thuật ngữ chung dùng để mô tả các triệu chứng phát sinh ở hệ thống xương khớp. Ví dụ như đau nhức, tê bì, sưng khớp, cứng khớp hay khó khăn khi vận động...
Khớp gối, háng, các khớp cổ tay, bàn tay, ngón chân hay thậm chí là khớp vai hay cột sống cổ, cột sống thắt lưng,... là những vị trí mà chúng ta có thể bắt đầu phát hiện các dấu hiệu đau nhức xương khớp dưới đây:
Đau nhức ở một hay nhiều khớp cùng lúc
Có cảm giác ấm nóng khi sờ vào khớp
Hạn chế, khó khăn khi vận động
Phát ra tiếng lục cục khi cử động
Có cảm giác kim chích, kiến bò
Biến dạng khớp
2. Các nguyên nhân đau nhức xương khớp
Có nhiều loại bệnh xương khớp khác nhau, mỗi bệnh lại có những nguyên nhân gây bệnh riêng nên trong bài viết này chúng tôi sẽ chỉ đề cập đến những nguyên nhân chính gây đau nhức xương khớp và bệnh về khớp.
2.1. Nguyên nhân không phải là bệnh lý
Thời tiết
Như cách nói của ông bà ta, mỗi lần "trái gió trở trời" là đau, nhức, mỏi khắp các khớp trên cơ thể. Những thay đổi đột ngột về nhiệt độ, độ ẩm làm cô đặc dịch khớp, ổ khớp như một động cơ thiếu đi dầu bôi trơn và trở nên khô cứng. Ngoài ra, khi nhiệt độ giảm cũng gây phản ứng co thắt mạch máu, giảm lưu lượng tuần hoàn tới khớp càng làm nghiêm trọng thêm tình trạng cứng khớp, từ đó gây cảm giác đau nhức khó chịu cho người bệnh.
Di truyền
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng di truyền đóng một vai trò quan trọng trong sự tiến triển của đau nhức xương khớp hoặc khiến các cơn đau tồi tệ hơn.
Ở cấp độ sinh học, các gen được cho là có liên quan đến đau nhức xương khớp là:
Gen COMT: làm tăng nhạy cảm với đau khớp và có liên quan đến viêm khớp;
Gen TRPV1 và gen PACE4 PCSK6 liên quan đến đau đầu gối.
Dễ nhận thấy sự di truyền của các gen trên là nguyên nhân gây đau nhức xương khớp khi nhìn vào các mối quan hệ trong gia đình. Nếu những người ruột thịt trong gia đình bạn (ông bà, anh chị em, bố mẹ, ...) bị đau khớp thì bạn rất dễ bị đau nhức xương khớp.
Yếu tố di truyền đã khiến cho tốc độ thoái hóa khớp của những người này trở nên nhanh hơn so với người bình thường. Đây là 1 trong những nguyên nhân khiến nhiều người trẻ gặp tình trạng đau nhức xương khớp khi tuổi đời chưa bước qua 30.
Tuổi tác
Một trong những nguyên nhân đau nhức xương khớp đầu tiên phải kể đến đó là tuổi tác. Vì theo thời gian, các cơ quan đều phải đối mặt với sự lão hóa, một trong số đó là hệ thống cơ xương khớp.
Đầu tiên là sụn – một cấu trúc quan trọng của khớp. Theo thời gian, khi khớp bị lão hóa, quá trình phá hủy sụn sẽ diễn ra nhanh và nhiều hơn, làm cho sụn mỏng dần, chất nhờn ở đầu khớp xương giảm đi, từ đó làm giảm sự vận động trơn tru của khớp, khiến hai đầu khớp cọ xát vào nhau gây đau. Song song với đó, khi chúng ta già đi, quá trình phá hủy xương sẽ diễn ra nhanh hơn quá trình tái tạo xương, điều này làm thay đổi mật độ cấu trúc của xương, khiến xương trở nên xốp hơn, dễ đau nhức hơn và dễ gãy hơn.
Béo phì
Thừa cân là một trong những nguyên nhân gây đau nhức xương khớp do trọng lượng cơ thể lớn gây ra nhiều áp lực cho khớp. Áp lực này sẽ tăng lên đặc biệt khi di chuyển hoặc làm việc nặng nhọc. Những khớp trục của cơ thể như khớp cột sống, khớp gối, khớp háng chịu sức ép lớn, "quá tải khớp" kéo dài làm thay đổi chuyển hóa các tế bào sụn khớp, hình thành các men proteolytic phá vỡ chất căn bản của sụn. Giai đoạn muộn các tế bào sụn có biểu hiện phì đại, tăng tiết các cytokin như IL-1, TNF-alpha, các enzyme tiêu các chất căn bản như collagenase, gelatinase tăng cường các phản ứng viêm, phá huỷ toàn bộ cấu trúc khớp.
Ngồi sai tư thế
Tư thế ngồi làm việc không đúng cũng là một nguyên nhân gây đau nhức xương khớp. Nhiều người thường có thói quen ngồi chúi về phía trước hoặc còng lưng. Tư thế ngồi này làm tăng áp lực lên cột sống, khiến cột sống bị đè nén, gây đau nhức lưng, cổ, thúc đẩy quá trình thoái hoá cột sống diễn ra nhanh hơn, thậm chí làm biến dạng cột sống.
Chấn thương
Chấn thương khớp có thể do nhiều nguyên nhân như tai nạn giao thông, tại nạn lao động, thể dục thể thao,... Những chấn thương này tùy theo mức độ có thể để lại những tổn thương không hồi phục tại khớp cũng như hệ thống cân, cơ, dây chằng quanh khớp, thường gây ra đau khớp mạn tính và đau tăng lên khi gặp các yếu tố nguy cơ kết hợp như thay đổi thời tiết, mang vác vật nặng,...
Mang giày dép cao
Giày dép cao gót có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đặc biệt là xương khớp. Theo Viện Khoa học Y tế Ấn Độ (AIIMS), đi giày cao gót mỗi ngày trong nhiều giờ có thể dẫn đến tổn thương tích lũy ở xương và là nguyên nhân hàng đầu gây viêm khớp. Nghiên cứu của Puszaclowska – Lizis và cộng sự năm 2019 cũng cho thấy phụ nữ đi giày cao gót có gót từ 10cm trở lên có nguy cơ bị biến dạng ngón chân cái lớn hơn những người khác.
Mang giày cao gót làm thay đổi sự phân bổ khối lượng tự nhiên của cơ thể, phần lớn sức nặng cơ thể được dồn về phía mũi chân tạo áp lực lớn lên hệ thống cơ xương khớp vùng bàn-ngón. Ngoài ra mũi giày cao gót nhỏ hẹp ép các ngón chân lại, lâu ngày làm biến dạng các ngón chân, đặc biệt là ngón cái.
Lao động nặng
Những người lao động thể chất có nhiều nguy cơ bị đau nhức xương khớp hơn. Việc nâng vật nặng thường xuyên làm tăng áp lực lên các khớp (cổ, đầu gối, hông, cột sống), nhanh chóng làm tổn thương sụn khớp, biến dạng khớp và cột sống, tăng nguy cơ thoái hóa gây đau đớn cho người lao động.
Ít vận động
Theo OrthoInfo, một ấn phẩm của Viện phẫu thuật chỉnh hình Hoa Kỳ, không hoạt động thể chất sẽ khiến hệ thống cơ xương khớp thay đổi, dẫn tới tăng nguy cơ bị cứng khớp, viêm khớp, đau xương khớp và teo cơ. Không chỉ vậy, nó còn gây ra một loạt rủi ro sức khỏe như bệnh tim mạch, tiểu đường, loãng xương, béo phì,… đây chính là các yếu tố làm gia tăng nguy cơ bị thoái hóa khớp, gây ra đau khớp. Ngoài ra, khi cơ thể được giữ ở một trạng thái nhất định (đứng, ngồi, nằm) trong một khoảng thời gian dài sẽ khiến các cơ, gân bị co cứng, kém linh hoạt. Vì thế, khi chúng ta hoạt động, các khớp xương có nguy cơ bị dễ bị đau nhức hơn. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy rằng những người không hoạt động thể chất đầy đủ có nguy cơ mắc bệnh cơ xương khớp cao hơn những người hoạt động thể chất đầy đủ lên tới 54%.
2.2. Nguyên nhân bệnh lý
Thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là một trong những bệnh khớp phổ biến nhất ở Việt Nam (khoảng 23% dân số có biểu hiện thoái hoá khớp ở độ tuổi trên 60), đặc biệt là ở những người lao động chân tay mang vác vật nặng, làm việc sai tư thế, người béo phì. Những khớp trục: khớp cột sống, khớp gối, khớp háng dễ bị thoái hoá nhất vì phải chịu phần lớn trọng lượng cơ thể. Những tổn thương cơ bản của thoái hóa khớp là bào mòn sụn khớp, suy giảm dịch khớp, dày xương dưới sụn. Ở giai đoạn muộn của bệnh, khớp có thể bị biến dạng và lệch trục hoàn toàn, làm suy giảm nghiêm trọng khả năng vận động của người bệnh.
Viêm khớp dạng thấp
Khác với thoái hoá khớp chủ yếu gặp ở các khớp lớn như khớp gối, cột sống,... viêm khớp dạng thấp có đặc điểm đặc trưng là viêm nhiều khớp ngoại vi đối xứng, vị trí thường gặp là khớp liên đốt gần ngón tay, khớp bàn ngón tay, khớp cổ tay,... Bệnh do sự nhầm lẫn của hệ miễn dịch, dẫn đến hoạt hoá các tế bào viêm sản xuất hàng loạt các cytokines (IL-1, IL-6, IL-17 và TNF-alpha), các enzyme phá hủy chất nền sụn khớp, gây nên những tổn thương cơ bản: viêm mạn tính màng hoạt dịch, phá hủy sụn khớp và bào mòn xương.
Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm di chuyển khỏi vị trí ban đầu của nó. Ở giai đoạn đầu nhân nhầy di lệch ít, người bệnh chủ yếu đau ở vùng thắt lưng. Giai đoạn sau nhân nhầy di lệch nhiều chèn ép rễ thần kinh gây đau buốt lan xuống mông và hai chân, kèm theo cảm giác tê bì, dị cảm, yếu liệt 2 chân. Thoát vị đĩa đệm có nhiều nguyên nhân gây ra, là sự kết hợp của yếu tố tuổi tác và yếu tố nghề nghiệp. Càng lớn tuổi thì càng xuất hiện những rối loạn chuyển hoá, giảm nuôi dưỡng tại đĩa đệm. Ngoài ra những người lao động chân tay mang vác vật nặng, dân văn phòng, lái xe ngồi nhiều, ít vận động đều có nguy cơ cao bị thoát vị đĩa đệm.
Đau dây thần kinh tọa
Đau thần kinh tọa còn gọi là đau thần kinh hông to, biểu hiện bởi cảm giác đau dọc theo đường đi của thần kinh tọa: đau tại cột sống thắt lưng lan tới mặt ngoài đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, mắt cá ngoài và tận ở các ngón chân khiến việc đi lại cũng khó khăn, cử động nhói đau.
Bệnh Gout
Bệnh Gout là bệnh viêm khớp do vi tinh thể, đặc trưng bởi những đợt viêm khớp cấp tái phát, có lắng đọng tinh thể muối urat natri trong các mô, gây ra do tăng acid uric trong máu. Đây là bệnh do rối loạn chuyển hóa nhân purin, thuộc nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa. Cơn gout cấp thường xuất hiện đột ngột ban đêm, bệnh nhân thức dậy vì đau ở khớp, thường là khớp bàn - ngón chân cái (60-70%): khớp sưng to, đỏ, phù nề, căng bóng, nóng, đau dữ dội và ngày càng tăng, va chạm nhẹ cũng rất đau. Lúc đầu chỉ viêm một khớp sau đó có thể viêm nhiều khớp. Các dấu hiệu viêm có thể kéo dài nhiều ngày, thường từ 5-7 ngày rồi các dấu hiệu viêm giảm dần: đỡ đau, đỡ nề, bớt đỏ. Hết cơn, khớp trở lại hoàn toàn bình thường. Bên cạnh thể điển hình, cũng có thể tối cấp với khớp viêm sưng tấy dữ dội, bệnh nhân đau nhiều nhưng cũng có thể gặp thể nhẹ, kín đáo, đau ít dễ bị bỏ qua.
Loãng xương
Loãng xương là tình trạng mật độ các chất trong xương giảm dần gây mỏng xương khiến chúng trở nên giòn hơn, xốp hơn. Những người bị loãng xương thường có cảm giác đau nhức, dễ tổn thương, gãy nứt khi té ngã, thậm chí là vấp rất nhẹ. Ngoài ra, một số người còn có hiện tượng còng lưng, đau lưng, cân nặng suy giảm, không thể thẳng người khi đi, đứng,..Tình trạng loãng xương sẽ càng trở nên nặng hơn khi về già do độ tuổi này mật độ xương không đảm bảo đủ mức cho phép để đảm bảo xương cứng chắc như lúc ở tuổi trưởng thành.
3. Kết luận
Việc hiểu biết về các nguyên nhân gây đau nhức xương khớp là thực sự cần thiết để mọi người biết cách phòng tránh, xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học hơn. Dưới đây là một vài lời khuyên của chúng tôi với mong muốn giúp bạn có một lối sống lành mạnh và hệ cơ xương khớp chắc khỏe:
Thể dục thể thao
Luyện tập thể dục thể thao giúp tăng cường tuần hoàn, nuôi dưỡng đến khắp các bộ phận trên cơ thể, trong đó có hệ thống cơ xương khớp, giúp ngăn ngừa quá trình thoái hoá. Vận động giúp cơ thể giảm được lượng mỡ thừa, đào thải chất độc, chống oxy hoá, tránh được những rối loạn chuyển hoá tại khớp. Ngoài ra việc tập luyện điều độ khoa học sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, giảm cân, giảm sức ép lên các khớp.
Điều chỉnh tư thế
Tập tư thế tốt nhất cho các khớp xương chính là đứng thẳng, tránh nằm lâu, ngồi lâu, đứng lâu một chỗ gây ứ trệ tuần hoàn máu và cứng khớp. Ngồi làm việc phải điều chỉnh sao cho phần vai của mình được thả lỏng, lưng thẳng và dựa vào ghế. Sau từ 1 tiếng cho đến 2 tiếng làm việc, bạn nên đứng dậy và đi lại, vận động thật nhẹ nhàng để cơ trong cơ thể có thời gian thư giãn.
Làm việc quá sức, stress, mệt mỏi… là những yếu tố khiến sức khỏe xương khớp bị suy giảm. Vậy nên, ngay khi còn trẻ hãy tập cho mình thói quen nghỉ ngơi điều độ: ngủ đủ giấc, cân bằng tâm trạng bằng cách đọc sách, tập yoga, nghe nhạc để giải tỏa căng thẳng.
Ngoài chế độ dinh dưỡng hàng ngày, bạn cũng nên bổ sung các dưỡng chất sụn khớp như Glucosamin sulfat, Collagen type II, Methyl sulfonyl methane, Acid hyaluronic, Chondroitin sulfat,...làm tăng cường dịch khớp và chất căn bản, giúp phục hồi và tái tạo sụn khớp.
Trên đây là tổng hợp các nguyên nhân gây đau nhức xương khớp cũng như một vài lời khuyên bổ ích mà chúng tôi muốn gửi tới bạn đọc. Hy vọng những thông tin này có thể giải đáp được những băn khoăn, lo lắng của bạn. Chúc bạn luôn khỏe nhé!
Xem thêm:
Bị đau xương khớp thường xuyên nên ăn gì
Viên bổ khớp Ultramin - Bổ khớp khỏe xương tăng cường sức...
Cách làm giảm đau nhức xương khớp bằng các bài thuốc dân...
Chào bạn! Chúng tôi là G Pharmacy+ chuyên gia chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp chủ động. Chúng tôi cung cấp thông tin và giải pháp chăm sóc sức khỏe chủ động cho bạn và gia đình. Để cập nhật những thông tin mới nhất từ chúng tôi hãy tải ngay App G pharmacy+ tại App Store , CH Play.
Mọi câu hỏi tư vấn xin liên hệ hotline: 1900 638 315 hoặc 0981 110 951
Trân trọng!