Gpharmacy – Chuỗi hệ thống nhà thuốc thương hiệu Gpharmacy+

https://gpharmacy.com.vn


Giải đáp thắc mắc: Thiếu máu não nên ăn gì?

Thực trạng cuộc sống với rất nhiều yếu tố nguy cơ đã và đang làm gia tăng số lượng và tình trạng những bệnh nhân mắc chứng thiếu máu lên não. Bên cạnh việc tuân thủ liệu pháp điều trị của bác sĩ thì chế độ ăn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cải thiện và phục hồi bệnh.Vậy thiếu máu não nên ăn gì? Và xây dựng thực đơn như thế nào là hợp lý? Cùng giải đáp thắc mắc này qua bài viết dưới đây nhé!

1. Thiếu máu não là gì? Vai trò của chế độ dinh dưỡng với người bị thiếu máu não

Thiếu máu não là tình trạng giảm lưu lượng máu lên não, dẫn tới giảm khả năng cung cấp oxy và  dưỡng chất cho tế bào thần kinh, gây ảnh hưởng đến các hoạt động chức năng bình thường của hệ thần kinh trung ương. Nếu tình trạng này kéo dài trong thời gian dài mà không bổ sung kịp thời lượng oxy cần thiết cho não bộ sẽ dẫn đến tình trạng tổn thương và gây chết tế bào não
Một trong những cách cải thiện tình trạng bệnh hiệu quả là việc bổ sung các thực phẩm có lợi và giàu dinh dưỡng trong các bữa ăn hàng ngày . Vai trò của chế độ dinh dưỡng đối với người bị thiếu máu lên não là rất quan trọng:
  • Giúp tăng cường lưu thông máu lên não và đưa máu từ não đến các chi
  • Tăng khả năng tạo máu 
  • Nâng cao sức khỏe tim mạch, tăng cường khả năng tống máu của tim đưa các dưỡng chất và oxy đến mọi cơ quan, duy trì hoạt động bình thường của cơ thể.
  • Giảm tình trạng xơ vữa động mạch dựa trên kiểm soát lượng cholesterol xấu, giảm khả năng hình thành huyết khối
thieu mau nao nen an gi 2
Mối lo về dinh dưỡng cho những người bị thiếu máu lên não
Vậy cụ thể người bị thiếu máu não nên bổ sung những thực phẩm có lợi nào? Cùng tìm hiểu ngay nhé!

2. Thiếu máu não nên ăn uống những gì?

Bên cạnh điều trị bằng thuốc thì việc kết hợp chế độ ăn uống hợp lý và tập luyện thể dục thường xuyên có thể cải thiện tốt khả năng tuần hoàn máu não. Nghiên cứu đã chỉ ra các nhóm thực phẩm nên có trong bữa ăn của người bị thiếu máu não như sau:

2.1:  Thực phẩm giàu omega-3

Cơ thể chúng ta không thể tự tổng hợp omega-3 mà phải bổ sung từ các  thực phẩm hàng ngày. Nhóm acid béo không no omega-3 bao gồm ALA, EPA và DHA, là một thành phần cấu tạo nên tế bào, trong đó có các tế bào não. Theo nghiên cứu, Omega -3 có khả năng làm giảm nồng độ beta-amyloid (là chất gây ra những tổn thương não bộ có trong máu). Đặc biệt, dưỡng chất này còn giúp tăng lưu lượng máu lên não, giúp tăng khả năng nhận thức và tư duy. Ngoài ra đây cũng là một dưỡng chất rất tốt cho hệ tim mạch.
Mức khuyến cáo bổ sung omega-3 mỗi ngày tối thiểu là 200 mg và tối đa là 3000 mg. Omega-3 có thể đến từ các thực phẩm có nguồn gốc động vật hoặc thực vật:
  • Cá thu, cá trích, cá hồi, … là thực phẩm chứa nhiều omega-3 
  • Các loại hạt ( đặc biệt là hạt óc chó) đậu nành, hạt lanh, hạt chia,… giàu ALA (một loại acid béo omega-3), hỗ trợ bảo vệ mạch máu, đồng thời tốt cho não bộ và tim mạch
    thieu mau nao nen an gi 3
    Người thiếu máu não nên tăng cường bổ sung nhóm thực phẩm giàu omega 3

2.2: Nhóm thực phẩm giàu chất chống oxy hóa

Thiếu máu não có nguyên nhân chính là do xơ vữa mạch máu não (chiếm đến 80%). Trong đó, các yếu tố nội và ngoại sinh ( stress, ô nhiễm, các chất kích thích, chế độ ăn nhiều dầu mỡ,....) góp phần hình thành các gốc tự do trong cơ thể dẫn đến tình trạng stress oxy hóa, gây tổn thương các tế bào của thành mạch, làm hình thành và phát triển các mảng xơ vữa và cục huyết khối tại động mạch, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu lên não. 
Chất chống oxy hóa đóng vai trò trung hòa điện tích, khử các gốc tự do, bảo vệ tế bào, ngăn ngừa xơ vữa động mạch và cải thiện tình trạng thiếu máu não.
Vì vậy cần bổ sung chế độ dinh dưỡng giàu các chất chống oxy hóa để ngăn ngừa và cải thiện tình trạng thiếu máu não, như:
  • Vitamin C: hay acid ascorbic, có nhiều trong trái cây và rau củ, đặc biệt là trái cây có màu vàng, cam như: cam, quýt, bưởi, ổi, dâu tây, kiwi, 
  • Vitamin E: là một loại vitamin tan trong dầu, có nhiều trong các loại hạt( hạt dẻ, hạnh nhân) dầu thực vật, rau củ xanh (củ cải, rau bina, cải xanh, …)
  • Vitamin A: cần thiết cho sự hình thành và phát triển của các tế bào tim, phổi thận. Các thực phẩm giàu vitamin A bao gồm: gan bò, dầu gan cá, cà chua, cà rốt, bí ngô, ớt chuông, bông cải xanh, rau bina, …
  • Beta-caroten: tiền chất của vitamin A, là sắc tố thực vật có trong rau củ và trái cây có màu sắc sặc sỡ như đỏ, vàng, cam. Beta-caroten có thể bổ sung từ các thực phẩm: cà rốt, cà chua, đu đủ, xoài, dưa lưới, đậu Hà Lan, …
  • Zeaxanthin và Lutein: hai chất chống oxy hóa thuộc nhóm carotenoid, có nhiều trong bí đỏ, đu đủ, cải xoăn, măng tây, cam, táo, ngô, …
  • Selen: được tìm thấy trong các loại ngũ cốc (ngô, gạo, lúa mì, ..), các loại hạt (đậu đỗ, hạt chia, hạt lanh, …), trứng và phô mai.
  • Mangan: khoáng chất vi lượng có trong: yến mạch, lúa mạch, đậu nành, dứa, gạo lứt, chuối, ngô, mâm xôi, …
  • Nhóm các flavonoid: có nhiều trong các loại quả mọng như anh đào, việt quất, dâu tây, mâm xôi, … Ngoài ra còn có trong trà xanh, cacao. Một số flavonoid đặc trưng, có tác dụng chống oxy hóa hiệu quả và nổi bật kể đến như anthocyanin (chiết xuất anh đào và việt quất), catechin (lá trà xanh), …
  • Resveratrol: có trong quả nho đỏ, rượu vang,một số loại quả mọng và đậu phộng với tác dụng rất tốt là chống oxy hóa nên thường được sử dụng trong các sản phẩm hoạt huyết dưỡng não.
    thieu mau nao nen an gi 4
    Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa

2.3: Nhóm thực phẩm giúp tăng lưu lượng máu lên não

Nitric Oxide (NO) là một phân tử cần thiết cho quá trình tăng lưu lượng máu lên não. Với vai trò giãn mạch, điều hoà huyết áp, ức chế kết tập tiểu cầu và giúp máu lưu thông dễ dàng, nên bổ sung các thực phẩm giàu NO trong khẩu phần ăn hàng ngày là rất cần thiết. Có 2 con đường bổ sung NO từ thực phẩm, bao gồm:
  • Bổ sung dưới dạng nitrat hoặc nitrit, sau đó chuyển hoá thành NO.
  • Bổ sung các loại thực phẩm có chứa các axit amin L-arginine và L-citrulline giúp sản xuất NO trong cơ thể.
Một số thực phẩm giúp bổ sung nitric oxid và cải thiện lưu lượng máu não bao gồm:
  • Củ cải đường, cải bó xôi, xà lách, bắp cải, cần tây,... giúp bổ sung nitrat.
  • Trái cây họ cam quýt, tỏi giúp tăng nồng độ và hoạt hóa nitric oxide synthase (NOS) - enzyme xúc tác quá trình chuyển hóa  acid amin L-arginine thành oxit nitric.
  • Gia cầm và hải sản (gà, vịt, tôm, cua, hàu, cá biển …) là nguồn cung cấp coenzyme Q10 (CoQ10) tuyệt vời cùng với flavanol trong cacao giúp ổn định mức NO trong cơ thể
  • Dưa hấu, hạt óc chó giúp bổ sung acid amin L-arginine và L-citrulline

2.4: Nhóm thực phẩm bổ sung các thành phần tạo máu

Đối với những người bị thiếu máu não, việc bổ sung và tăng cường lượng hồng cầu lên não là rất quan trọng. Quá trình đó có sự tham gia của các thành phần như: sắt, acid folic (folate), vitamin B12, … trong đó sắt đóng vai trò quan trọng nhất.

2.4.1. Thực phẩm bổ sung sắt

Sắt là nguyên liệu cơ bản của quá trình tạo máu. Lượng sắt hàng ngày được bổ sung cho cơ thể theo khuyến nghị là 10-15 mg/ngày, với phụ nữ có thai có thể lên tới 45 mg/ngày. 
Các loại thực phẩm chứa nhiều sắt cần có trong các bữa ăn như: rau xanh( bông cải xanh, đậu, rau bina….), các loại thịt đỏ, nội tạng động vật hay các động vật có vỏ ( tôm, cua,..)

2.4.2. Thực phẩm bổ sung acid folic (vitamin B9)

Acid folic (folat) đóng vai trò quan trọng trong sản xuất hemoglobin. Thiếu folate có thể dẫn đến hình thành hồng cầu lưới (các tế bào hồng cầu chưa trưởng thành), chức năng không hoàn thiện, dẫn đến thiếu máu. Mức bổ sung acid folic ở người lớn được khuyến cáo là 200-400 mcg/ngày, nhu cầu tăng lên với phụ nữ có thai và cho con bú. 
Các thực phẩm bổ sung acid folic mà người bệnh thiếu máu lên não nên ăn là: thịt bò, đậu phộng, rau cải xanh, rau bina, rau chân vịt, quả bơ, …

2.4.3. Thực phẩm bổ sung vitamin B12

Vitamin B12 là chất dinh dưỡng thiết yếu trong quá trình tạo máu. Cơ thể không thể tự sản xuất vitamin B12, vì vậy chế độ ăn và các thực phẩm bổ sung có vai trò quan trọng. Vitamin B12 có nhiều trong: gan và thận động vật, cá ngừ, cá hồi, thịt bò, ngũ cốc, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua và pho mát …

3. Người bị thiếu máu lên não nên kiêng ăn gì?

Một chế độ dinh dưỡng khoa học là bổ sung đúng và đủ lượng dưỡng chất tốt mà cơ thể cần, Bên cạnh đó, người bị thiếu máu não cũng nên tránh các loại thứa ăn sau đây:

3.1. Thức ăn nhanh

Dù không mắc tình trạng thiếu máu não thì người bình thường cũng không nên sử dụng nhiều các thực phẩm này( như gà rán, khoai tây chiên, xúc xích, …) bởi chúng chứa một lượng chất béo lớn cùng chất phụ gia, chất bảo quản và đường hóa học. Thức ăn nhanh làm tăng nồng độ triglycerid và LDL-cholesterol (cholesterol xấu), nguyên nhân chính dẫn đến hình thành các mảng xơ vữa, cục máu đông làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu lên não.
thieu mau nao nen an gi 7
Người bị thiếu máu lên não không nên ăn các đồ ăn nhanh

3.2. Các loại đồ hộp, đồ ăn chế biến sẵn

Các thực phẩm này thường chứa chất các bảo quản, hàm lượng muối cao làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp, gây hại cho tim và mạch máu.Nếu ăn nhiều cũng gây cản trở tới hệ tuần hoàn và lưu thông máu lên não. Ngoài ra các thực phẩm này cũng có rất ít dinh dưỡng nên hạn chế sử dụng.

3.3. Thực phẩm chứa nhiều đường

Hàm lượng đường lớn trong thực phẩm ngọt, nước ngọt làm tăng lượng đường trong máu, dễ gây tổn thương mạch máu và tăng cholesterol xấu trong cơ thể gây béo phì, tiểu đường. Điều này cũng cản trở lượng máu lưu thông đến não.
Hạn chế ăn tinh bột vì có thể gây ra tình trạng tiểu đường, làm tăng huyết áp.

3.4.Các chất phụ gia thực phẩm

Phụ gia thực phẩm có thể làm tăng lượng muối trong cơ thể chúng ta. Việc hàm lượng muối trong cơ thể vượt quá mức cho phép có thể gây ra tình trạng huyết áp cao. Nguy hiểm hơn có thể dẫn tới đột quỵ. Đặc biệt là những người đang bị thiếu máu lên não.

3.5. Các loại đồ uống có cồn

Rượu, bia và các loại đồ uống có cồn khác làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu máu lên não do cản trở quá trình lưu thông máu, làm các tế bào não không được cung cấp đủ oxy. Ngoài ra các loại đồ uống này còn có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác.

4. Gợi ý thực đơn cho người bị thiếu máu não

Dưới đây là gợi ý thực đơn người thiếu máu não nên ăn gì giúp người bệnh không phải lo nghĩ, cân nhắc mình cần ăn gì để cải thiện bệnh một cách nhanh chóng:
Thực đơn 1: 
Canh bí nấu xương
Trứng rán
Cá thu sốt cà chua
Cam 
Thực đơn 2: 
Súp lơ, cà rốt luộc
Thịt bò xào ớt chuông
Đậu phụ nhồi thịt
Nho (tráng miệng)
Thực đơn 3: 
Thịt chân giò luộc
Mực xào rau củ
Rau ngót nấu thịt
Sinh tố việt quất 
Thực đơn 4:
Bông cải xanh luộc
Trứng ốp la
Gan lợn xào giá đỗ
Ổi, táo
Thực đơn 5: 
Rau củ quả luộc
Tôm rang 
Vịt om sấu
Dưa hấu 
Ngoài khẩu phần ăn chính, nên bổ sung thêm các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và có lợi cho não bộ (các loại hạt, đồ ăn nhẹ, hoa quả ) trong các bữa phụ. Có thể thêm bớt các món ăn để phù hợp với mỗi gia đình mà vẫn đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho người bị thiếu máu não. So với dùng thuốc hay thực phẩm chức năng, việc áp dụng một chế độ ăn hợp lý luôn được ưu tiên hơn cả. Trên đây là gợi ý thực đơn trong 7 ngày có thể áp dụng giúp các bà nội trợ có thể dễ dàng giải quyết mối lo về dinh dưỡng cho người bị thiếu máu lên não.
Bài viết đã giải đáp được thắc mắc Thiếu máu não nên ăn gì? với các gợi ý cụ thể về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh. Hi vọng qua những thông tin bổ ích này có thể giúp bạn và gia đình có những bữa ăn đa dạng và đầy đủ dưỡng chất. Ngoài ra, bên cạnh chế độ ăn phù hợp, mọi người cũng cần xây dựng một lối sống lành mạnh, kết hợp với vận động thể dục thể thao thường xuyên để có một sức khỏe tốt nhất.
Xem thêm:
Mách bạn những bài tập cho người thiếu máu não tốt nhất hiện nay
Tổng hợp hoạt huyết dưỡng não tốt nhất hiện nay
Chào bạn! Chúng tôi là G Pharmacy+ chuyên gia chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp chủ động. Chúng tôi cung cấp thông tin và giải pháp chăm sóc sức khỏe chủ động cho bạn và gia đình. Để cập nhật những thông tin mới nhất từ chúng tôi hãy tải ngay App G pharmacy+ tại App Store , CH Play.
Mọi câu hỏi tư vấn xin liên hệ hotline: 1900 638 315 hoặc 0981 110 951
Trân trọng!
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây